Đảng cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Hơn chín thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành Cách mạng tháng tám 1945 thành công, xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất vẻ vang, mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngược dòng lịch sử, ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha gồm 16 tàu chiến được trang bị vũ khí thuộc loại hiện đại nhất đã phát động tấn công, mở đầu cho cuộc xâm lược lần thứ nhất vào đất nước ta. Tuy nhiên, trước sự kháng cự quyết liệt của lực lượng đồn trú dưới sự chỉ huy của một triều đình lúc đó còn toàn vẹn sinh lực, với vị võ tướng số một đương thời là Nguyễn Tri Phương, cùng với ý chí quyết tâm cao và khối đoàn kết toàn dân, kẻ địch đã bị chặn ngay ở cửa biển Đà Nẵng; bắt buộc phải chuyển hướng tấn công Gia Định. Đến ngày 23/3/1860, Page - thiếu tướng Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha - được lệnh của Chính phủ Pháp rút hết quân ra khỏi Đà Nẵng để đưa sang hỗ trợ cho chiến trường Trung Quốc.
Đầu năm 1860, quân Pháp đánh chiếm Gia Định lần thứ hai. Quân triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy không ngăn được giặc. Quân Pháp từ Gia Định đánh rộng ra chiếm 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà). Tháng 6/1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp theo lệnh vua Tự Đức ký hiệp ước đầu tiên nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Mặc dù triều đình đầu hàng nhưng nhân dân cả ba tỉnh Nam Bộ liên tục nổi dậy chống Pháp. Các cuộc khởi nghĩa lớn gây cho địch nhiều thiệt hại như khởi nghĩa của Trương Định ở vùng Gò Công, Mỹ Tho, khởi nghĩa Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) ở Tháp Mười, nhưng tương quan lực lượng không cân sức, lại bị triều Tự Đức ngăn trở, cấm đoán, phá hoại nên các cuộc khởi nghĩa không duy trì được. Tháng 6/1867, quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) trước sự bất lực đầu hàng của triều Nguyễn.
Ở ba tỉnh miền Tây, nhân dân lại nổi dậy đánh Pháp sôi nổi. Các cuộc khởi nghĩa lớn và kéo dài của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc kéo dài tới 10 năm; khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh; khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho. Thật đúng như lời lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Tuy nhiên cuối cùng các cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại.
Sau khi chiếm được Nam Bộ và đàn áp được phong trào khởi nghĩa ở đây, cuối năm 1873, Pháp đưa quân ra đánh chiếm Bắc Bộ. Ngày 20/11/1873, với 300 quân và 11 khẩu đại bác trên 2 chiến hạm, quân Pháp ngược sông Hồng đánh chiếm thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiếm đấu, bị thương nặng, bị bắt, ông nhịn ăn cho đến chết. Quân Pháp nhanh chóng chiếm các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong khi triều đình tan rã thì nhân dân khắp nơi ở Bắc Bộ nổi dậy chống Pháp quyết liệt; cộng với những khó khăn nội bộ, quân Pháp rút khỏi Bắc Bộ (1874).
Tháng 4/1882, quân Pháp lại Hà Nội lại đánh chiếm Bắc Bộ lần thứ hai. Thành Hà Nội thất thủ ngày 25/4. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Các tỉnh khác lần lượt bị Pháp chiếm đóng. Triều đình nhà Nguyễn với 2 Điều ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884) hoàn toàn đầu hàng giặc Pháp. Tuy vậy trong triều Nguyễn cũng có những người yêu nước, chủ trương vũ trang chống Pháp như Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi rút ra miền núi tỉnh Quảng Trị tổ chức kháng chiến. Tại đây Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp, phò vua cứu nước. Phong trào Cần Vương bùng lên ở khắp các địa phương Trung Bộ và Bắc Bộ, kéo dài đến hết thế kỷ XIX, trong đó có các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như khởi nghĩa Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng ở Nga Sơn (Thanh Hoá) năm 1886 - 1887; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở khắp vùng Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh kéo dài từ năm 1885 - 1892; khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích ở vùng Tây Bắc từ năm 1885 - 1892; khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) của Phan Đình Phùng từ năm 1885 - 1896.
Cùng với phong trào đánh Pháp do các sĩ phu lãnh đạo dưới ngọn cờ Cần Vương, phong trào nhân dân tự đứng lên chống Pháp cũng sôi nổi ở nhiều địa phương: Tuyên Quang, Hoà Bình, Tây Bắc, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Quảng Yên, Đông Triều, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang, Biên Hoà, Bà Rịa. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất, bền bỉ nhất, tiêu biểu cho phong trào nổi dậy của nhân dân là khởi nghĩa Yên Thế lúc đầu từ năm 1892 cho đến năm 1913, do Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) lãnh đạo.
Nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại của các phong trào đấu tranh là do những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa, các phong trào chưa tìm được con đường cứu nước phản ánh đúng nhu cầu của xã hội Việt Nam. Cách mạng nước ta đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Việc tìm một con đường cứu nước đúng đắn phù hợp với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và thời đại là nhu cầu bức thiết của dân tộc ta lúc bấy giờ.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) ra nước ngoài, bắt đầu tìm con đường cứu nước.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người nhận thấy: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; đây là bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Sự kiện đó cũng đánh dấu bước ngoặt lịch sử mở đường thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, tìm ra con đường đúng đắn giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sau một thời gian ngắn tham gia học tập ở Liên Xô và hoạt động trong Quốc tế cộng sản, tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường cách mệnh (1927)… nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước. Người tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Từ ngày 03/02 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn) họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt. Đây là Hội nghị mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng, là một mốc lớn, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Qua 15 năm đầu tiên lãnh đạo cách mạng (1930 - 1945), trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ, với ba cao trào cách mạng lớn (1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945), khi thời cơ đến, Đảng đã lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và lật nhào chế độ phong kiến tay sai thối nát.
Ngày 02/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, lập nên Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã phải đối mặt với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nạn đói hoành hành đầu năm 1945 đã làm chết hơn 2 triệu đồng bào ở Miền Bắc. Trên 95% dân Việt Nam mù chữ. Ở Miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng đã tràn vào với mưu đồ “diệt cộng, cầm cộng”. Ở Miền Nam, hơn 15 vạn quân Pháp với sự giúp đỡ của liên quân Anh - Ấn lăm le xâm lược nước ta.
Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của Nhà nước ta còn yếu; vận mệnh của đất nước trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Với đường lối chính trị sáng suốt, vừa cứng rắng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân, triệu người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để củng cố, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Đêm ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Thắng lợi đó làm sáng tỏ một chân lý: “Trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên, kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng Mác - Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn cảu giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập ”.
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với đặc điểm là đất nước tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau. Đảng xác định con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là, tiến hành cách mạng dân tộc dẩn chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Tuy mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mốt quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự phát triển của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vị trí quan trọng, có tác dụng trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, đế quốc Mỹ đã huy động và sử dụng một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh khổng lồ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoạt bằng không quân, hải quân ở miền Bắc. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi oanh liệt mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc; chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước; bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Đánh giá tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước, Nghị quyết Đại hội IV của Đảng viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam có những thuận lợi, song cũng không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nền kinh tế sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động bên ngoài tìm mọi cách phá hoại, bao vât, cấm vận, gây khó khăn cho cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tuy nhiên, lợi dụng một số vụ việc nhạy cảm, bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là việc một số cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian gần đây; các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận vai trò và những thành tựu lịch sử đã đạt được trong suốt quá trình 93 năm lãnh đạo của Đảng. Chúng âm mưu đòi “đổi mới thể chế chính trị” ở Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thực chất là nhằm gây ra sự hoài nghi trong nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn định chính trị trong đời sống xã hội, làm tổn hại mối quan hệ giữa ý Ðảng, lòng dân. Từ đó tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta.
Chúng ta có thể khẳng định, mọi âm mưu, thủ đoạn đê hèn nhằm làm mất uy tín, danh dự, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nhất định sẽ bị vạch trần và thất bại. Lịch sử 93 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng ta là những trang lịch sử bằng vàng được vun đắp, tô thắm bằng xương máu của lớp lớp các chiến sĩ cộng sản trung kiên. Nhân dân, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào và luôn luôn tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam. Với bản lĩnh đã được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, nhất định Đảng ta sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó; cầm lái con thuyền đưa đất nước vươn ra biển lớn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.
Cửa Biển