Ngày 28/3/2024, Ủy ban Nhân dân phường Niệm Nghĩa đã tổ chức tuyên truyền đến người dân về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng.
Tại Hội nghị, Trung tá Phan Thị Thanh Vân - Phó trưởng Công an phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân đã thông tin đến đại biểu tham dự hội nghị một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng hiện nay để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.
1. Thủ đoạn giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án.
Hiện nay đang có hiện tượng đối tượng lừa đảo giả danh Công an gọi điện yêu cầu người dân ra ngay Công an phường để khắc phục, đồng bộ VNEID mức 2, khi công dân nói bận không ra ngay được thì đối tượng sẽ hướng dẫn đồng bộ online theo hướng dẫn cài đặt phần mềm có logo VNEID có yêu cầu khuôn mặt, vân tay và số điện thoại. Sau đó đối tượng tự động chiếm quyền kiểm soát điện thoại và thực hiện chuyển hết số tiền từ tài khoản đi và chiếm đoạt (mặc dù đối tượng không yêu cầu số tài khoản và mã OTP).
Đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án gọi điện thông báo về việc nạn nhân liên quan đến vụ án đang điều tra, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để phục vụ công tác điều tra.
2. Thủ đoạn chiếm quyền đăng nhập tài khoản Zalo, Facebook:
Đối tượng sử dụng 1 website rất đơn giản để bình chọn các cuộc thi như tài năng nhí, các cuộc thi của học sinh giỏi để dẫn dụ người dùng tự cung cấp tài khoản mạng xã hội Facebook như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại để chiếm quyền sử dụng mạng xã hội Facebook, qua đó biết được danh sách bạn bè, số điện thoại. Sau đó đối tượng sử dụng phương thức đơn giản khác để nhắn tin 1 đường link yêu cầu người dùng tự quét mã QR và đăng nhập Zalo qua giao diện Web mà không biết ngay lúc đó đã cho phép đối tượng quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook của mình rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ để hỏi mượn tiền. Nhiều người không để ý khi nhận tin nhắn, tưởng bạn bè cần tiền nên đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.
3. Thủ đoạn dụ dỗ tham gia đầu tư
Đối tượng gọi điện thoại giới thiệu là nhân viên của công ty chứng khoán. Thêm nạn nhân vào nhóm Zalo của đối tượng đã lập sẵn. Hàng ngày sẽ phát video để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Sau đó, đối tượng hướng dẫn nạn nhân tải App đăng ký để vào ứng dụng. Sau khi đăng ký tài khoản, đối tượng sẽ chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân nói đây là số tiền lợi nhuận. Nạn nhân sẽ rút được số tiền này.
Lần 2, đối tượng hướng dẫn nạn nhân nạp số tiền lớn vào tài khoản ứng dụng và được hướng dẫn đầu tư. Nạn nhân sẽ rút được tiền cùng lợi nhuận. Từ lần tiếp theo, đối tượng kêu gọi nạn nhân tăng dần số tiền đầu tư. Khi nạn nhân nạp tiền vào ứng dụng thì đối tượng sẽ tự động chuyển tiền của nạn nhân từ ứng dụng đến số tài khoản của người thứ 3. Lúc này, ứng dụng sẽ thông báo tài khoản của nạn nhân bị treo và đề nghị nạn nhân nạp thêm tiền để mở lại ứng dụng. Nạn nhân sợ mất số tiền gốc nên nạp thêm tiền vào ứng dụng. Mặc dù trên ứng dụng hiển thị tổng số tiền nạn nhân đã nạp tuy nhiên nạn nhân không thể rút được số tiền này.
4. Thủ đoạn giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên để tăng thu nhập.
Đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng quảng cáo tìm cộng tác viên với các Page như: “Tuyển Mẫu Ảnh Online”, “ Việc làm part time”..... Nạn nhân có nhu cầu tìm việc làm thêm nên nhắn tin đến trang Page của đối tượng. Đối tượng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào một đường Link nhóm chat Telegram. Nhiệm vụ cộng tác là: Truy cập đường link do đối tượng gửi đến - thực tế đây là đường link của các trang bán hàng online chính thống như Shopee, Lazada.... Nạn nhân chụp ảnh sản phẩm thời trang gửi vào nhóm nhóm chat Telegram, chuyển thanh toán số tiền tương ứng với sản phẩm có trong ảnh đến số tài khoản của đối tượng. Khoảng 5 - 10 phút sau, hệ thống sẽ hoàn lại tiền đã thanh toán kèm theo phần trăm hoa hồng là 10% - 15% tùy từng sản phẩm. Trong một vài “nhiệm vụ” đầu tiên, nạn nhân chuyển cho đối tượng sẽ được nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng. Tuy nhiên, khi thực hiện “nhiệm vụ” tiếp theo với số tiền lớn, nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng nhưng không được nhận lại tiền và phần trăm hoa hồng. Đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân phải thực hiện thêm “nhiệm vụ” khác để được hệ thống hoàn lại tiền của nhiệm vụ trước đó. Một số nạn nhân tin lời đối tượng và lo sợ mất tiền sẽ tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng.
5. Thủ đoạn hướng dẫn vay tiền Online
Một số nạn nhân có nhu cầu vay tiền Online được đối tượng hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân và chụp ảnh giấy tờ tùy thân. Đối tượng lập ra văn bản thỏa thuận vay với nạn nhân yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản Ngân hàng để nhận tiền. Sau đó, đối tượng tạo lệnh giả chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng vào tài khoản của nạn nhân và thông báo lệnh chuyển tiền bị lỗi. Đối tượng hướng dẫn nếu nạn nhân muốn được nhận tiền vay, nạn nhân phải chuyển 10 - 50 % số tiền muốn vay cho đối tượng, khi giải ngân được khoản vay, đối tượng sẽ hoàn lại tiền cho nạn nhân. Nạn nhân yêu cầu đối tượng cung cấp thông tin nhân viên thì đối tượng sử dụng hình ảnh giấy tờ tùy thân của nạn nhân khác gửi cho nạn nhân. Nạn nhân vì đó mà tin lời đối tượng chuyển tiền theo yêu cầu nhưng không được nhận lại. Một số nạn nhân tin tưởng đối tượng đã chuyển nhiều lần với số tiền lớn vượt quá số tiền muốn vay.
Mặt khác, đối tượng sẽ sử dụng thông tin cá nhân và ảnh giấy tờ tùy thân của nạn nhân đi lừa đảo những nạn nhân khác bằng thủ đoạn tương tự
6. Thủ đoạn làm quen rồi lừa nạn nhân chuyển tiền
Đối tượng giả là người nước ngoài, việt kiều kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber..... Hàng ngày đối tượng nhắn tin trò chuyện thân mật với nạn nhân, chuyển cho nạn nhân số tiền nhỏ (khoảng vài trăm đến một triệu đồng). Sau thời gian dài trò chuyện, đối tượng nhờ nạn nhân đứng ra nhận hộp quà gửi từ nước ngoài về bên trong có tiền USD, là tiền bất hợp pháp nên yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật. Đối tượng hẹn ngày chuyển hộp quà về Việt Nam và bảo nạn nhân chờ người gọi điện thoại đến để ra nhận hộp quà trên. Đến ngày hẹn, sẽ có cuộc điện thoại từ số thuê bao di động giới thiệu là nhân viên chuyển phát hoặc hàng không nói rằng có hộp quà gửi từ nước ngoài về và yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền lệ phí để lấy hộp quà vào số tài khoản của đối tượng.
7. Thủ đoạn mạo danh gọi điện, nhắn tin thông báo người thân bị tai nạn…..
Đối tượng nhắn tin hoặc gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên y tế, bác sỹ thông báo việc có người thân trong gia đình bị tai nạn giao thông có thể ảnh hưởng đến tính mạng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế cần chuyển tiền ngay để nhập viện mổ.
Đối tượng gọi điện cho bị hại xưng là lãnh đạo bệnh viện thông báo người thân đang nguy kịch đến tính mạng cần mổ ngay, yêu cầu thúc giục bị hại chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, sau khi nhận được tiền các đối tượng chặn các liên lạc và chiếm đoạt tài sản.
8. Thủ đoạn giả mạo hình ảnh, video người thân bằng công nghệ Deepfake:
Đối tượng lừa đảo tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân của bị hại để tạo kịch bản lừa đảo. Sử dụng Facebook giả hoặc hack Facebook của người thân rồi sau đó gọi điện nhắn tin vay tiền. Khi bị hại gọi điện video kiểm tra đối tượng dùng những video cũ của người thân cắt ghép hoặc dùng công nghệ Deepfake để giả khuôn mặt người thân trên video và nói sóng yếu, mạng chập chờn… khi bị hại tin tưởng chuyển tiền, đối tượng chặn liên lạc để chiếm đoạt.
9. Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thưc nhắn tin trúng thưởng.
Các đối tượng nhắn tin cho bị hại qua tin nhắn SMS, Facebook, Mesenger, Zalo… với các nội dung là chúc mừng đã may mắn nhận được phần thưởng có giá trị như xe máy, tiền mặt… để nhận được phần thưởng đề nghị truy cập vào trang Web do chúng lập ra, tại trang Web này và có các nội dung và hình ảnh có một số người đã trúng thưởng nhận thưởng và yêu cầu các bị hại muốn nhận được thưởng phải chuyển một số phí như nộp tiền vào tài khoản hoặc cung cấp các thẻ cào điện thoại của các nhà mạng rồi chiếm đoạt.
10. Lừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh nhân viên công ty xổ số
* Đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội facebook phải Zalo … đăng các bài viết liên quan đến bán số lô,đề, xổ số chuẩn, các đối tượng tự nhận là nhân viên của các công ty xổ số và có thể biết trước kết quả. Các đối tượng chủ động nhắn tin cho bị hại và gửi cho bị hại các giấy tờ chứng minh tạo niềm tin cho bị hại, gợi ý cho bị hại chuyển tiền để được mua số chuẩn (số nội bộ có khả năng trúng cao). Sau khi bị hại tin tưởng, các đối tượng sử dụng nhiều lý do khác nhau để bị hại chuyển tiền và chiếm đoạt.
* Biện pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao:
1. Không đăng tải các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội (căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay…)
2. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
3. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu mã OTP cho bất kỳ ai tự xưng là nhân viên ngân hàng cơ quan chức năng qua điện thoại, mạng.
4. Không làm theo hướng dẫn của những người tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án … trên thực tế cơ quan công an cơ quan nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh, điều tra. Cơ quan công an không gửi giấy triệu tập, giấy mời, lệnh, quyết định qua mạng xã hội. Tất cả các loại giấy mời, giấy triệu tập quyết định, lệnh gửi công dân đều thông qua công an xã,phường nơi cư trú.
5. Người dân cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường, không có việc nhẹ nào lương cao cả …
6. Không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi.
7. Khi người dân nhận được các cuộc gọi tự xưng là công an thì liên hệ ngay với cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn hoặc ra trụ sở công an phường để xác minh, không cung cấp các thông tin cá nhân cũng như hướng dẫn truy cập đường link lạ.