Năm 2024 Ban dân vận Thành ủy Hải Phòng đẩy mạnh và tổ chức cuộc thi tuyên truyền các mô hình “ Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, chuyển đổi số năm 2024. Đây là cuộc thi nhằm mục đích tăng cường, xây dựng và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận thực thiện theo công văn số 2126-CV/QU, ngày 22/4/2024 của Quận ủy Lê Chân.
Đây là một trong những nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình “ Dân vận khéo” thực hiện chủ đề năm 2024 của Thành Phố “ Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn kiểu mới kiểu mẫu – Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”; của Quận Lê Chân “Tăng cường kỷ cương, thu chi ngân sách – Quản lý đất đai đô thị - Thực hiện chuyển đổi số”. Đồng thời đưa ra các nhóm chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; an ninh; với 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Triển khai thực hiện nghiêm túc học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy; tăng cường công tác đấu tranh phản bác một số quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được thực hiện tích cực. Công tác dân vận tiếp tục có chiều sâu, chỉ đạo giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “ Dân vận khéo”.
Tình hình kinh tế, xã hội Quận vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính tị quận. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ kịp thời, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và ngày càng khẳng định được vai trò, ưu thế quan trọng không thể thiếu đó là lĩnh vực giáo dục.
Ngày 03 tháng 06 năm 2020, quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đạo 4.0 với những kết quả tích cực mà giáo dục đạt được thời gian qua là động lực quan trọng để từ đó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để ngành giáo dục Việt Nam bứt phá trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện hơn.
Thực tế cho thấy, ngành Giáo dục đã và đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tất cả ứng dụng công nghệ số có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực. Chuyển đổi số là giải pháp đúng đắn để giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
“ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt vào năm 2020. Trong đó nền giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên đầu tiên về chuyển đổi số bởi giáo dục là lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới những người dân. Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm được mọi chi phí cho hoạt động đời sống và tạo nên nhiều động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác nhau.
Giai đoạn 2021-2025 đến năm 2030, ngành Giáo dục Hải Phòng đã đề ra những nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025, trong đó có 6 nhóm là : 100% các đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên internet; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số, hệ thống dạy-học trực tuyến trên địa bàn thành phố cho các trường phổ thông … Tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục và hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và “một cửa” điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính ở các mức độ 3,4. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành GD-ĐT thành phố, bảo đảm kết nối các hệ thống đô thị thông minh của Thành Phố.
Bên cạnh những bước chuyển đổi số của ngành giáo dục Thành phố cũng như Quận Lê Chân năm 2024 đã ban hành các Kế hoạch thực hiện về chuyển đổi số và Đề án 06/CP quận năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận chủ trì hội nghị
Là một trong rất nhiều trường học của Quận Lê Chân, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu luôn đi đầu thực hiện những cải cách, đổi mới phương pháp, áp dụng và gặt hái được rất nhiều thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Với vai trò là nhà quản lý, đồng chí Trần Thị Mị - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo với sáng kiến “Biện pháp phát triển năng lực dạy học của giáo viên nhằm đáp ứng chương trình GDPT 2018”. Sáng kiến của đồng chí đã chú trọng đánh giá phân loại giáo viên và điều tra nhu cầu cần phát triển về năng lực dạy học, đặc biệt đổi mới hình thức tổ chức bồi dưỡng thông qua đội ngũ giáo viên cốt cán mang lại hiệu quả cao, có tính lan toả rộng rãi.
Đ/c Trần Thị Mị Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường TH Võ Thị Sáu được
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Ban giám hiệu nhà trường luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, đề ra những phương án tốt nhất, tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh nhà trường trong công tác chuyển đổi số. Nhà trường đã rất thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý giáo dục, dạy học, nghiên cứu bài giảng, thư viện điện tử.
Quản lý giáo dục trong chuyển đổi số ngay từ năm học 2020 – 2021 nhà trường đã triển khai quản lí hồ sơ giáo viên, cán bộ công nhân viên đặc biệt việc quản lí hồ sơ học sinh trở nên thuận tiện. Thay cho học bạ viết tay, học sinh nhà trường được quản lí trên học bạ điện tử nên việc lưu trữ thông tin học sinh được đảm bảo hơn. Ngoài ra thay cho sổ gọi tên ghi điểm viết tay, sổ điểm cá nhân viết tay cũ, kết quả kiểm tra đánh giá học sinh cũng được lưu trữ trên sổ điểm điện tử, hạn chế những sai sót đáng tiếc.
Việc thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục từ những năm học 2023 - 2024, trường TH Võ Thị Sáu đã hợp tác cùng ngân hàng Vietinbank xây dựng hệ thống danh mục toàn bộ tài khoản của học sinh nhà trường. Hàng tháng các khoản phí phải nộp của từng học sinh sẽ được nhà trường thông báo đến phụ huynh và được thanh toán chuyển khoản vào số tài khoản cá nhân học sinh sau đó chuyển vào tài khoản chung của trường. Bộ phận tài vụ nhà trường thông qua hệ thống, sẽ nắm bắt và thống kê được tình hình nộp phí trong thời gian quy định thúc đẩy quá trình công tác quản lí thu và chống lạm thu. Theo đó thực hiện chỉ đạo của UBND quận, Phòng GD và ĐT quận Lê Chân, nhà trường đã liên kết với ngân hàng và hướng dẫn tới 100% phụ huynh. Gần 100% phụ huynh nhà trường đã thực hiện thành công việc nộp học qua tài khoản. Như vậy cho thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong công tác triển khai của Ban giám hiệu nhà trường, sự nhiệt tình vào cuộc của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và sự phối kết hợp của các bậc phụ huynh học sinh toàn trường.
Nhờ có công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả từ Ban giám hiệu tới hội đồng giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp cho nhà trường chủ động trong công tác tuyển sinh. Vì vậy từ kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025, trường TH Võ Thị Sáu thực hiện nhận hồ sơ tuyển sinh cho học sinh theo phương thức trực tuyến. Theo đó, phụ huynh sẽ tự đăng nhập thông tin của con trên hệ thống tuyển sinh của nhà trường (theo đường link hướng dẫn tuyển sinh trực tuyến), bộ phận chuyên môn của nhà trường sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, học bạ của học sinh thông tin đăng ký, cập nhật lên hệ thống phần mềm trong công tác tuyển sinh để đăng ký vào lớp đầu cấp…
Áp dụng chuyển đổi số trong việc dạy học luôn đi đầu.
Theo Chương trình GDPT 2018, môn Tiếng Anh được đưa vào cấp tiểu học là môn học bắt buộc đối với lớp 3,4,5. Môn Tiếng Anh cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Thực hiện Chương trình công tác Đội năm 2023 - 2024 của Thành Đoàn, Quận đoàn Lê Chân; Kế hoạch số 38/PGDĐT ngày 13/9/2023 của Phòng GD&ĐT quận Lê Chân, chiều ngày 21/12/2023 trường TH Võ Thị Sáu long trọng tổ chức chuyên đề Đội cấp Thành phố, kết hợp chuyên đề chuyên môn cấp Quận “Sử dụng học liệu số trong dạy học Tiếng Anh nhằm phát triển các kỹ năng cho học sinh tiểu học”.
Chuyên đề nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đặc biệt là nguồn học liệu số môn học Tiếng Anh mà thày trò nhà trường đã xây dựng, đưa vào khai thác và sử dụng nhằm đổi mới phương pháp dạy học và phát triển các kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Chuyên đề còn là hoạt động định kỳ tổ chức sinh hoạt CLB Tiếng Anh, nhằm trang bị những kiến thức ngoại ngữ, tham gia chương trình rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, hướng dẫn HS tiếp cận, sử dụng nguồn học liệu số phục vụ nhu cầu học tập.
Chuyên đề “Sử dụng học liệu số trong dạy học tiếng anh nhằm phát triển
các kĩ năng cho học sinh tiểu học”.
Thực hiện Kế hoạch của Sở giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các chuyên đề chuyên môn cấp thành phố năm học 2024 – 2025, trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã thể hiện thành công chuyên đề cấp thành phố môn Tiếng Việt lớp 5. Với mục tiêu triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học ở các kĩ năng đọc – viết – nói và nghe. Giáo viên đã khai thác ngữ liệu từ Thư viện số, sáng tạo ra các sản phẩm thiết bị dạy học số như trò chơi tương tác “ Tôi là ai”; ứng dụng phần mềm beeclass, liveworksheets vào quá trình học tập. Bên cạnh đó giáo viên còn vận dụng lớp học đảo ngược, kĩ thuật phòng tranh, bản đồ tư duy và tích hợp công dân số để giúp học sinh tự chủ động, tiếp thu kiến thức bài học. Qua đó làm cho bài học trở nên sinh động, sáng tạo.
Các đại biểu tặng hoa và chụp ảnh cùng 2 cô giáo thực hiện tiết dạy minh họa.
Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân trong tiết dạy minh họa.
Sáng tạo thiết bị dạy học số.
Cuộc thi sáng tạo thiết bị dạy học số năm học 2024 – 2025 được Phòng GD&ĐT phát động vào tháng 7/ 2024 nhằm khơi dậy ý thức chủ động, sáng tạo xây dựng thiết bị dạy học số của các thầy cô. Là một trong những đơn vị nhiệt tình hưởng ứng và gửi sản phẩm có chất lượng tham dự cuộc thi, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã được vinh danh trong lễ trao giải với 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, 01 giải khuyến khích.
Đại diện nhóm tác giả chụp cùng đồng chí Hiệu Trưởng
Các sản phẩm đạt giải cuộc thi sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu, thiết bị dạy học đã được kiểm duyệt để sử dụng trong công tác giảng dạy và học tại nhà trường, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Giấy chứng nhận đạt giải
Xây dựng thành công “Thư viện số”
Có được tri thức, chúng ta học được rất nhiều cách khác nhau: học từ bạn bè thầy cô, từ cuộc sống, học qua những trải nghiệm, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trong hành trình tự học của mỗi người đó vẫn là học từ những trang sách. Ngày nay trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn đưa đến cơ hội cho văn hóa đọc. Hưởng ứng "Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam" lần thứ 2 năm 2023 trên toàn quốc, thực hiện Công văn số 713 ngày 17/3/2023 của Ủy ban nhân dân quận Lê Chân về việc tổ chức "Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam", sáng ngày 31/3/2023, trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức chuyên đề Đội cấp Thành phố: “Đọc sách trong thời đại 4.0”
Thư viện số Trường Tiểu học Võ Thị Sáu
Chuyên đề nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường. Lễ khởi động công trình THƯ VIỆN SỐ với những mong muốn giới thiệu nguồn tri thức mà thư viện số nhà trường hiện đang có, xây dựng môi trường đọc thuận lợi mọi lúc, mọi nơi. Chuyên đề đã thành công tốt đẹp, trở thành một ngày hội có ý nghĩa văn hoá sâu rộng trong toàn thể học sinh, lan toả được niềm đam mê đọc sách và phát huy tối đa những giá trị của nền văn hóa đọc.
Đặc biệt từ năm học 2024 nhà trường đã có những bước đột phá trong việc thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện nội dung quản lí hồ sơ sổ sách từ năm 2023 – 2024 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường TH Võ Thị Sáu là một trong những đơn vị đi đầu của Sở GD và ĐT thành phố Hải Phòng áp dụng phần mền quản lí giáo dục. Thời gian đầu khi mới áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sự vào cuộc khéo léo, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức buổi tập huấn, hướng dẫn giáo viên, nhân viên nhà trường hoàn thành tiến độ cộng việc hiệu quả. Toàn bộ các kế hoạch từ cấp quản lí đến tổ nhóm chuyên môn và của giáo viên được tải lên hệ thống, không sử dụng các loại kế hoạch in như: Kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ báo giảng. Việc giảng dạy trên lớp được ứng dụng 100% công nghệ thông tin. Nhà trường đã lắp đặt hệ thống Wife tại tất cả các dãy phòng học để giáo viên có thể kết nối trực tiếp với máy tính tìm kiếm thông tin, hình ảnh, tư liệu trực quan hỗ trợ giảng dạy. Các phòng học cũng được lắp đặt 100% màn hình Tivi, màn hình tương tác để giáo viên kết nối máy tính trình chiếu Kế hoạch bài dạy điện tử Powerpoint phục vụ giảng dạy, thực hiện các chuyên đề sử dụng học liệu số, ứng dụng công nghệ vào các tiết học. Mỗi giờ học bắt đầu khi giáo viên sẽ giới thiệu tổng quát bằng những hình ảnh minh họa qua các phần mềm kết nối giữa máy vi tính với màn hình tivi hoặc phần mềm ứng dụng trên mạng. Sau đó, học sinh thảo luận, tham gia phát biểu, đóng góp xây dựng bài theo chủ đề… Như vậy ngoài phấn trắng, bảng đen, việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cho các tiết học thêm sinh động, cuốn hút hơn và gây hứng thú hơn.
Có thể thấy nhờ tuyên truyền vận động khéo việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giảng dạy đã phát huy tối đa vai trò của mỗi giáo viên. Thầy cô sẽ tự nỗ lực, tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng các lớp tập huấn để nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ. Từ đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép sử dụng phần mềm dạy học để phát huy năng lực, chủ động học tập của học sinh.
Trên đây là những thành tích đáng kể trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, sự tâm huyết, chủ động học hỏi tiếp thu cái mới của đội ngũ giáo viên, tin rằng việc thực hiện chuyển đổi số của nhà trường sẽ ngày càng được triển khai sâu rộng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực góp phần không nhỏ giúp Ngành giáo dục thành phố Hải Phòng nói chung và quận Lê Chân nói riêng thực hiện thắng lợi mục tiêu của chuyển đổi số đã đề ra.