Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong bối cảnh hiện nay, các ứng dụng công nghệ thông tin đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của con người. Trong những năm qua, toàn ngành Giáo dục đã tích cực triển khai, ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lí, điều hành, bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục và đào tạo phục vụ thông tin quản lý giáo dục. Triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, kết nối nhà trường với phụ huynh, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,...
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) được thành lập trước năm 1975 với tiền thân là trường cấp I, II Võ Thị Sáu; đến năm 1993, trường được tách ra. Khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 17 phòng học với 34 lớp học, điều kiện phục vụ việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tận tâm đầy nhiệt huyết của Ban Giám hiệu, cùng sự đoàn kết cố gắng vươn lên của tập thể giáo viên trong trường, trường đã được xây mới khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất hạ tầng. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã “thay da đổi thịt” với nhiều dãy nhà cao tầng được xây dựng khang trang, quy mô và hiện đại. Hiện nay, nhà trường có 56 phòng với 56 lớp học được trang bị các thiết bị hiện đại, có cả phòng học tin học được bố trí khoa học, phục vụ tốt hoạt động dạy và học, cũng như vui chơi của học sinh.
So với các quốc gia khác trên thế giới, thì Việt Nam có nền giáo dục còn khá truyền thống – Giáo viên giảng và học sinh chỉ nghe thụ động. Tuy nhiên quá trình dạy học như vậy, sẽ có nhiều hạn chế như học sinh không sẽ bị thụ động, không có tính sáng tạo… Và điều này cũng khiến cho học sinh lười suy nghĩ và chán nản không còn muốn khám phá kiến thức mới. Trong khi đó, ứng dụng CNTT trong giáo dục không chỉ tăng cường hiệu quả của quá trình học tập mà còn mở ra một loạt các cơ hội mới cho sự sáng tạo trong giáo dục.
Giáo viên trường Tiểu học Võ Thị Sáu sử dụng phần mềm trình chiếu tham gia dự thi giáo viên giỏi cấp Thành phố
Nhận thức được vấn đề trên thay vì sử dụng cách giảng dạy, học tập truyền thống như trước kia, hiện nay Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học để giúp những tiết học thêm sinh động, cuốn hút hơn. Ban Giám hiệu cùng tập thể giáo viên nhà trường luôn nhận thức rõ công nghệ thông tin và đặc biệt là sự phát triển của Internet mở đã ra một kho kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú cho người học và người dạy, giúp cho việc tìm hiểu kiến thức đơn giản hơn rất nhiều, cải thiện chất lượng học và dạy. Nó còn thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy. Chương trình giáo dục mở giúp con người trao đổi và tìm kiếm kiến thức một cách hiệu quả. Đi kèm với giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào. Tài nguyên học liệu mở là một xu hướng phát triển tất yếu của nền giáo dục hiện đaị. Nếu như trước đây, việc tiếp thu kiến thức được cung cấp từ sách vở và giáo viên thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet. Người thầy chủ yếu là người truyền thụ kiến thức. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục là phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh. Công nghệ thông tin còn tạo điều kiện cho người học có thể học tập và tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện. Mọi người có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi, có thể tham gia thảo luận một vấn đề mà mỗi người đang ở cách xa nhau, góp phần tạo ra xã hội học tập mà ở đó, người học có thể học tập suốt đời. Bên cạnh đó,với sự thuận tiện cho việc học ở mọi lúc mọi nơi, công nghệ thông tin sẽ tạo cơ hội cho người học có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu của mỗi người, từ đó mà phát triển theo thế mạnh của từng người do cấu tạo khác nhau của các tiểu vùng vỏ não. Chính điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tài năng. Qua những điểm mạnh trên, giúp phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển toàn diện các kỹ năng của người học, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên Vũ Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Thơm và Lê Huyền Thu, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ứng dụng CNTT giảng dạy môn Lịch sử với bài Đất nước và con người Việt Nam.
Chính vì lẽ đó Ban Giám hiệu nhà trường cùng tập thể giáo viên xác định ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là một trong những của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay trường có nhiều thuận lợi để từng bước hoàn thiện, nâng cấp, phát triển về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy như được cấp trên trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên dần được nâng cao trình độ về công nghệ,... để theo kịp được với xu thế số hóa hiện nay.
Giáo viên Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Đào Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hồng Phương, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ứng dụng CNTT giảng dạy môn Khoa học
lớp 4: Vật cho ánh sáng truyền qua và vật cản ánh sáng.
Không những vậy, công tác bồi dưỡng, đào tạo khi vận dụng công nghệ thông tin vào cũng thuận lợi hơn khi rất nhiều giáo viên Nhà trường có trình độ, quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhất là việc giảng dạy bằng các thiết bị trình chiếu, giáo viên dễ dàng làm cho bài giảng trở nên sinh động, thú vị hơn bằng việc đưa vào đó những âm thanh, hình ảnh, màu sắc… Thậm chí, giáo có thể chạy cả một đoạn video liên quan đến bài giảng hay hiển thị các vật mẫu bằng một camera chiếu vật thể kết nối với máy chiếu đa năng. Ngoài ra, các hệ thống máy chiếu hiện đại còn cho phép thầy và trò cùng trao đổi, vấn đáp tương tác qua mạng. Mặt khác tận dụng được những kho dữ liệu, tài nguyên cộng thêm trong không gian mở, môi trường số hóa sẽ giúp học sinh dễ dàng thay đổi được không khí học tập.
Giáo viên Cao Thùy Dung, Bùi Thị Oanh và Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ứng dụng CNTT giảng dạy môn Tự nhiên và xã hội lớp 3: Mặt trời- Trái đất- Mặt Trăng.
Ngoài ra, để phát triển kỹ năng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ, giáo viên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để các thầy cô sử dụng được thành thạo và tốt hơn công nghệ thông tin. Ban Giám hiệu nhà trường rất quyết liệt trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học nên đã được sự hỗ trợ rất tận tình Phòng giáo dục quận Lê Chân trong lộ trình số hóa hiện nay, góp phần phát huy mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên Ngô Thị Thu Thảo, Lê Ngọc Diệp và Nguyễn Thùy Linh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ứng dụng CNTT giảng dạy môn Tự nhiên và xã hội lớp 2: Các nghề nghiệp phổ biến trong xã hội.
Để nâng cao chất lượng giáo dục hàng năm, nhà trường đã tận dụng tối đa trong điều kiện, kinh phí của mình để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của giáo viên, học tập, thảo luận của học sinh và trong các khâu quản lý tài chính, hành chính, tuyển sinh và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo nhà trường.
Giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Hải Yến, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ứng dụng CNTT giảng dạy môn Toán lớp 1: Bộ que tính và thẻ số..
Bên cạnh những thuận lợi, trường vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học như việc tiếp cận với các ứng dụng công nghệ của một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế; thiếu sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu do kinh phí đôi lúc còn khó khăn,...
Các giáo viên nhà trường mong rằng, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục ngày càng được phát triển, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí nhiều hơn để nhà trường được nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đồng thời cũng cần phải tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên để tận dụng được tối đa khả năng của các ứng dụng công nghệ số.
Hệ thống thư viện điện tử Trường Tiểu học Võ Thị Sáu
Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy và học tập, hàng năm trường Tiểu học Võ Thị Sáu luôn có nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, trong đó 1 giáo viên được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; 4 giáo viên được nhận giấy khen của Công đoàn ngành giáo dục. Không chỉ thi đua dạy tốt, học tốt, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp thiết thực, bổ ích góp phần quan trọng vào việc giáo dục toàn diện cho học sinh như: Ngày hội đọc sách, chuyên đề Trung thu yêu thương, Liên hoan thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ, Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo...
Bằng sự quyết tâm và cố gắng hết mình, nhà trường tiếp tục ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, xây dựng “Thư viện số” và các phần mềm để nâng cao chất lượng giáo dục và đã được cấp trên công nhận, khen thưởng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy và học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu
Những sản phẩm CNTT nhà trường đạt giải trong Ngày hội Chuyển đổi số quận Lê Chân
Giáo viên Nhà trường nhận giấy chứng nhận trong Ngày hội chuyển đổi số
quận Lê Chân năm 2024
Giáo viên Nhà trường tham gia và đạt giải trong Hội thi Sáng tạo thiết bị dạy học số do ngành giáo dục và đào tạo quận Lê Chân tổ chức năm 2024
Hưởng ứng Ngày hội Chuyển đổi số do quận Lê Chân phát động Nhà trường đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên tích cực chuẩn bị tham gia hội thi. Kết quả 80% sản phẩm của Nhà trường tham gia đạt giải, trong đó: Khối 1 đạt giải Nhất, Khối 2 đạt giải Nhì, Khối 3 đạt giải Ba, Khối 4 đạt giải Khuyến khích.
Ngay từ khi bước vào năm học mới, đầu tháng 9 năm 2024, Ban giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các khối chuẩn bị chu đáo, có chất lượng và tổ chức lên chuyên đề với chủ đề: Sử dụng học liệu số trong dạy học. Qua việc tổ chức lên lớp chuyên đề trình độ đội ngũ giáo viên được nâng lê rõ rệt, nhất là trình độ sử dụng CNTT, khả năng thuyết trình, nắm bắt tâm lý học sinh….
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy và học, cũng như quản lý giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Đồng thời cũng góp phần tạo nên thành tích xuất sắc cho nhà trường. Nhiều năm liền trường Tiểu học Võ Thị Sáu được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố; được trao 4 huy chương Hoa phượng đỏ Hạng nhất. Trường cũng đạt nhiều thành tích nổi bật khác: Nhận cờ Đơn vị dẫn đầu công tác Đội và phong trào Thiếu nhi bậc Tiểu học; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Thành đoàn Hải Phòng... Với bề dày truyền thống và sự năng động vốn có, sự tận tâm và sự tận tâm của những người đưa đò nơi đây, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng hiệu quả trong dạy và học cũng như quản lý điều hành, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sẽ luôn là cái nôi đào tạo những con người vừa hồng vừa chuyên cho đất nước, tiếp tục khằng định vị thế của mình trong sự nghiệp giáo dục của Thành phố nói riêng và sự nghiệp giáo dục chung của cả nước.